Thứ Hai, 20 tháng 10, 2008

Mua bán online - Đi chợ trên mạng

Ngày càng có nhiều người mua sắm... trên mạng. Không ít người thức trắng đêm với chiếc máy tính để tìm cơ hội mua được những món hàng với giá khá mềm. Tuy nhiên, mua hàng trên mạng cũng có những rủi ro...
H. rất hãnh diện với bạn bè khi mua được điện thoại Blackberry 8700 mới gần như 100% có bao da gin hẳn hoi với giá chỉ 3 triệu đồng, thấp hơn cả mức giá đang bán ở Mỹ. Chiếc điện thoại đó ở cửa hàng bên ngoài đang bán giá không dưới 5 triệu đồng. H. đã nhanh tay mua được trên diễn đàn www.tinhte.com trước khi có một người khác trả giá gần 3,3 triệu đồng. Kinh nghiệm của H. là thường xuyên lên mạng và truy cập vào các mạng, diễn đàn để tìm hàng rẻ và khi thấy thì nhanh tay đặt mua.
 
Khá nhiều người tiêu dùng thường xuyên tìm mua các đồ điện tử, công nghệ thông tin trên mạng vì giá rẻ. Hữu Thành và những người bạn của anh cũng thường xuyên lùng tìm laptop Apple, Sony mang từ Mỹ về với giá chỉ khoảng 500 USD. Những người bán thông thường là Việt kiều không muốn mang hàng trở về nước nên sẵn sàng bán lại - Thành chia sẻ kinh nghiệm. 
 
Nguy cơ bị lừa, hàng không đúng chất lượng... luôn rình rập người tiêu dùng khi mua sắm trên mạng. Trục trặc thường gặp của người tiêu dùng là món hàng không đúng như miêu tả về chất lượng, người bán không có cửa hàng trên mạng nên dẫn đến tình trạng tiền đã gửi đi nhưng hàng không về, khi liên lạc với nhà quản trị mạng thì không thể nào lần ra tung tích.
 
Giám đốc eBay (chợ trực tuyến toàn cầu) khu vực Đông Nam Sam McDonagh chia sẻ giao dịch trên eBay chủ yếu là tin tưởng nhau. Theo ông, người tiêu dùng phải liên hệ với khách hàng và tìm hiểu về uy tín của khách hàng trong giao dịch trực tuyến.
 
Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng VN vẫn bị lừa khá nhiều khi giao dịch điện tử. Bản thân Trần Mạnh Hiệp - thành viên quản trị mạng www.tinhte.com - cũng mất hơn 1.000 USD khi giao dịch trên eBay để mua một laptop mà người bán ở Ô dù Hiệp đã tìm hiểu kỹ lưỡng.
 
Bộ phận phụ trách an ninh mạng Hãng hàng không Pacific Airlines (PA) cho biết gần đây có một số khách hàng đặt mua vé máy bay giá rẻ của PA qua các website đã bị lừa. Kịch bản chung là người tiêu dùng sau khi đã gửi tiền vào tài khoản các nickname quảng cáo mua vé máy bay rẻ hơn vé thông thường 40% vẫn nhận được vé có mã xác nhận chỗ, nhưng khi liên lạc với tổng đài của PA để kiểm tra lại hoặc ra đến sân bay mới phát hiện vé không hợp lệ. 
 
 Đại diện quan chức Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Thương mại cho biết khi gặp sự cố, trước tiên người tiêu dùng liên lạc trực tiếp với nơi mua bán hàng để khiếu nại. Những nơi kinh doanh qua mạng không có giấy phép của cơ quan chức năng có thể sẽ bị xử lý vì tội kinh doanh trái phép. Người tiêu dùng cũng nên tìm đến những website có địa chỉ giao dịch cụ thể, đăng ký kinh doanh hợp pháp nhằm tránh trường hợp mua nhầm hàng giả không thể kiện được phía bán hàng.
 
Trần Mạnh Hiệp khuyên khi đã thích món hàng đó rồi thì cố gắng sắp xếp đến xem trực tiếp hoặc nhờ bạn bè, người thân đến xem và giao dịch. Mua bán trên mạng rủi ro vẫn có thể xảy ra và nếu không may thì đành chấp nhận.
 
Một số chuyên gia khuyên người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức, cẩn trọng và tự bảo vệ mình. Chẳng hạn có một vài email gửi đến người tiêu dùng cho biết đang cập nhật lại thông tin trên website và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân: email, thẻ tín dụng, mật khẩu... Người tiêu dùng phải cảnh giác không cung cấp những thông tin kiểu này vì những người quản trị website chân chính không đề nghị như vậy. 
 
Hiện nay, ngoài các trang web chuyên về dịch vụ mua bán hàng trên mạng, còn có những trang web nghiệp dư cũng tổ chức chợ ảo. Người tiêu dùng mua bán, trao đổi hàng hóa trên các diễn dàn (forum) sau khi đăng ký là thành viên của một diễn đàn, người bán sẽ chụp hình ở nhiều góc độ, mô tả đặc tính, hình dáng, giá cả... sản phẩm và cách thức liên lạc lên cho các thành viên có nhu cầu trao đổi.
 
Sau khi đã thống nhất giá cả, người mua chuyển tiền vào tài khoản của người bán ở các ngân hàng hoặc tài khoản ATM, người bán sau khi kiểm tra số tiền đã được chuyển sẽ chuyển hàng đến người mua qua đường chuyển phát nhanh hoặc trực tiếp mang đến. 
Vụ Thương mại điện tử - Bộ Thương mại đã thống kê và tập hợp được gần 300 website B2C (doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng), 88 website C2C (người tiêu dùng tới trực tiếp người tiêu dùng) và 35 website B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) có chất lượng tốt để tiến hành đánh giá. Vụ cũng bình chọn các website tiêu biểu (công bố tại địa chỉ www.trustvn.gov.vn) thông qua khá nhiều tiêu chí để hạn chế tối đa rủi ro cho người tiêu dùng. Hình thức thanh toán trực tuyến vẫn còn rất ít website áp dụng do số lượng người tiêu dùng sở hữu các loại thẻ thanh toán không nhiều và thiếu sự kết nối giữa các ngân hàng, nơi bán hàng, người tiêu dùng. Hình thức phân phối, vận chuyển hàng hóa phổ biến: chủ sở hữu website tự đứng ra tổ chức mạng lưới vận chuyển hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh. Hầu hết các website chưa chú trọng đến các qui định bảo mật thông tin cá nhân cho khách hàng.

Không có nhận xét nào: