Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Doanh nghiệp quảng cáo “một cổ nhiều tròng”

Có doanh nghiệp muốn dựng một bảng quảng cáo ngoài trời phải chạy 18 loại giấy phép.
Có doanh nghiệp muốn dựng một bảng quảng cáo ngoài trời phải chạy 18 loại giấy phép.

Hôm qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tổng kết năm năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo. Điều các đại biểu quan tâm nhiều nhất trong hội thảo này là tình trạng ngành quảng cáo đang phải chịu cảnh một cổ hai tròng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì quản lý nhà nước về quảng cáo. Còn quảng cáo trên báo chí, trên mạng thông tin và trên xuất bản phẩm thì lại do Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm.

Nhiều công ty quảng cáo vẫn lo lắng cảnh một cổ nhiều tròng vì thực tế để xin phép cho một sản phẩm quảng cáo, doanh nghiệp không chỉ qua một cửa là Sở Văn hóa-Thông tin.

Ìng Phạm Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ), Trưởng ban xây dựng Pháp lệnh Quảng cáo, cũng cho rằng việc xác định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về quảng cáo là cần thiết nhưng xác lập ranh giới như thế nào, phối hợp như thế nào giữa các bộ lại là vấn đề cần bàn.

Quan trọng là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý phải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp để có một chiến lược phát triển quốc gia cho ngành quảng cáo.

Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải chịu đựng, ông Phạm Thành Minh, Giám đốc Công ty Quảng cáo Gold Sun, cho biết công ty ông muốn dựng một bảng quảng cáo ngoài trời phải có 18 loại giấy phép.

Công ty Gold Sun đang tài trợ cho việc xây dựng các cầu vượt dành cho người đi bộ ở Hà Nội. Nay muốn treo các bảng quảng cáo trên cầu vượt để thu hồi chi phí, điều này Pháp lệnh không cấm nhưng Sở Văn hóa-Thông tin không dám quyết, yêu cầu công ty xin phép UBND thành phố Hà Nội. Cho đến nay Công ty Gold Sun vẫn chưa nhận được câu trả lời cuối cùng.

Đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - ông Đỗ Kim Dũng cho rằng vào thời điểm Pháp lệnh Quảng cáo được xây dựng thì lĩnh vực này chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Chính vì thế, có nhiều nội dung của Pháp lệnh nay đã trở thành lực cản, nhiều quy định mơ hồ và cứng nhắc.

Theo lời một giám đốc công ty truyền thông, Điều 5 Pháp lệnh Quảng cáo quy định về những hành vi nghiêm cấm trong quảng cáo, trong đó có quy định cấm hành vi quảng cáo trái với thuần phong mỹ tục, quảng cáo làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Nếu không có thông tư hướng dẫn chi tiết thì với những câu chữ chung chung như vậy, cán bộ mỗi địa phương hiểu và ứng dụng linh hoạt một cách... vô tận.

Ìng Dũng dẫn ra những tình huống éo le mà các doanh nghiệp quảng cáo gặp phải, chẳng hạn như  việc quảng cáo cho trang phục lót của Vera nhưng không được để lộ áo ngực của người mẫu vì như thế là trái thuần phong mỹ tục. Ở Khánh Hòa có tình trạng cơ quan chức năng hạn chế cho các công ty quảng cáo sử dụng màu đỏ trên bảng hiệu vì màu này giống màu... cờ tổ quốc.

Theo ông Dũng, chính những kẽ hở này làm cho các cán bộ quản lý hành động theo ý kiến chủ quan của mình, từ đó dẫn đến những chuyện tiêu cực, chạy chọt cửa sau.

Nhiều quy định đang trở nên bất khả thi với cả những người quản lý. Điều 10 Pháp lệnh Quảng cáo quy định: Báo in, báo điện tử được quảng cáo không quá 10% diện tích (trừ báo chuyên về quảng cáo). So sánh với thực tế quảng cáo hiện nay thì điều này gần như bị vô hiệu hóa. Nhiều tờ báo có lượng phát hành lớn, có lượng trang quảng cáo gấp nhiều lần số trang nội dung và lấy danh nghĩa đó là phụ trang.

Theo ông Dũng, không nên đưa ra tỷ lệ kiểu cào bằng như thế vì có những tờ báo lượng phát hành lớn, các doanh nghiệp xếp hàng để đăng ký quảng cáo, trong khi đó nhiều báo có cho tiền doanh nghiệp cũng không đăng quảng cáo ở đó làm gì. Như vậy, việc gì phải quy định tỷ lệ cho thừa thãi.

Có một thực tế là Pháp lệnh Quảng cáo hiện đang được mỗi địa phương hiểu một khác. Ngay như ở TP.HCM cũng mỗi quận áp dụng mỗi kiểu. Các doanh nghiệp quảng cáo không thể nào giải thích được cho khách hàng, khi ở TP.HCM không cho phép quảng cáo trên xe buýt vì cho rằng như thế làm ảnh hưởng an toàn giao thông. Thế nhưng ở Hà Nội, Đà Nẵng hay Bình Dương lại cho quảng cáo vô tư. Điều này được cả các hãng xe và các doanh nghiệp hoan hô. Trong khi nhà nước đang phải gồng mình trợ giá cho xe buýt thì TP.HCM lại bỏ đi một nguồn thu không nhỏ từ quảng cáo trên xe.

Còn nếu nói quảng cáo trên xe buýt làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì hiện nay trên đường phố còn nhiều banner, bảng hiệu thu hút tầm nhìn người đi đường hơn và nguy cơ gây tai nạn còn cao hơn nhiều lần.

Những quy định chặt chẽ mà lại mơ hồ này đang tạo ra những thiệt hại rất lớn về kinh tế và uy tín của các doanh nghiệp quảng cáo.

Một ý kiến của phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam được nhiều doanh nghiệp quảng cáo hưởng ứng: Quảng cáo bao giờ cũng tốn kém và gắn liền với mục đích kinh doanh, nếu quảng cáo phản cảm thì chắc chắn không doanh nghiệp nào dám làm điều ấy. Các bộ, ban ngành nên đưa ra những định hướng, còn doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
BẢO PHƯỢNG - NGỌC NHIÂN

Không có nhận xét nào: