Khi sử dụng email làm công cụ để quảng bá cho hoạt động kinh doanh, sản phẩm hay dịch vụ của bạn, điều quan trọng là bạn cần phải hiểu và phân biệt được sự khác biệt giữa hai hình thức opt-in email và spam. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được sự khác nhau cơ bản giữa hai hình thức này cũng như các phản ứng từ khách hàng qua những chương trình marketing bằng email của các công ty trên thế giới để từ đó bạn có thể sử dụng đúng và hiệu quả email cho công việc kinh doanh của công ty bạn.
Spam đang được coi là một vấn đề lớn trên mạng. Forrester Research ước tính rằng những người sử dụng email đã nhận được khoảng 110 bức thư không mong muốn hàng tuần. Brightmail cũng đã đưa ra báo cáo rằng 41% các email được gửi đi là dưới dạng spam, trong khi năm 2001 chỉ có 8%. Và bởi vì nhiều người truy cập email của họ trước hết là vì mục đích công việc, Ferris Research đã ước tính rằng spam đã gây tổn thất cho các công ty của Mỹ trong năm nay khoảng 10 tỷ đô la.
Và tất yếu, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã bắt đầu hợp tác với các tổ chức chống spam để loại bỏ tất cả các email được gửi đến dưới dạng spam bằng cách ngăn chặn các thông điệp chứa những từ hay các cụm từ đặc thù (như for free, MLM, hay XXX) và loại bỏ tất cả các email từ những tên miền và địa chỉ IP của những người chuyên gửi spam đã từng được biết đến. Về cơ bản, điều đó có nghĩa là nếu như bạn đã lỡ khoác cho mình cái danh là một người gửi spam, dù là bạn đã sơ suất mắc phải lỗi chứ không phải là sự giả mạo – khi đó phần lớn các email và các bản tin của bạn có thể bị lọc và không bao giờ gửi đến được những người đăng ký của bạn. Nếu email của bạn bị ngăn chặn bởi các ISP, có thể sẽ phải mất hàng tuần, hoặc thậm chí hàng tháng để giải quyết vấn đề này. Trong một số trường hợp, nếu bạn thực sự có mục đích gửi spam, bạn có thể sẽ không bao giờ có thể gửi email từ tên miền hay địa chỉ IP của bạn được nữa.
Rõ ràng, spam hoàn toàn không phải là công cụ mà bạn nên lựa chọn, vậy marketing bằng opt-in e-mail là cái gì? Rất đơn giản, opt-in e-mail là email được gửi đến người đã từng cho phép bạn liên lạc với họ qua email về một vấn đề cụ thể. Nó được xây dựng dựa trên mối quan hệ sẵn có của bạn với các khách hàng, với những người đăng ký bản tin, các đối tác Đó cũng chính là lý do tại sao opt-in e-mail còn được gọi là hình thức marketing bằng email được cho phép, và đó là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc khi nào nên phát động chiến dịch gửi e-mail.
Như bạn thấy, rõ ràng hình thức marketing opt-in e-mail cho phép bạn phát triển mối quan hệ với các khách hàng của bạn và tạo dựng được uy tín trong kinh doanh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn sẽ cần phải liên lạc với phần lớn các khách hàng khoảng từ bốn đến bảy lần để đi đến ký kết giao dịch – và với chi phí đầu tư thấp, email cho phép bạn thiết lập hiệu quả những liên lạc đều đặn và thường xuyên với các khách hàng của bạn.
Nếu bạn cung cấp đều đặn cho các khách hàng của bạn các thông tin có giá trị (như các bản tin hay các thông tin cập nhật) qua email, họ sẽ bắt đầu nhận ra tên của bạn trong hộp thư của họ. Vì vậy khi bạn gửi chào hàng đến họ, chắc chắn họ sẽ mở và đọc nó.
Vậy opt-in e-mail khác spam như thế nào? Spam, về cơ bản, là hình thức gửi e-mail không được mong muốn, được gửi bởi một công ty hoặc một người mà người nhận chưa hề quen biết trước đó. Những người gửi thư spam không quan tâm đến việc củng cố các mối quan hệ. Họ gửi đi hàng triệu email quấy rối với hy vọng tạo ra được một vài giao dịch. Nếu bạn đã từng truy cập vào Internet trong một khoảng thời gian nhất định, chắc chắn bạn biết nó gây khó chịu đến như thế nào.
Và bạn sẽ làm gì khi bạn nhìn thấy các bức thư được gửi dưới dạng spam trong hộp thư riêng của bạn? Chắc là bạn sẽ xoá chúng? Hãy ghi nhớ rằng nếu bạn gửi thư dưới dạng spam để quảng cáo sản phẩm hay dịch vụ của bạn, hầu hết tất cả những người nhận cũng sẽ làm như vậy. Bạn sẽ không nhận được một sự phản hồi hiệu quả nào – và có thể bạn đã tự chuốc lấy các rắc rối lớn. Đó là bởi vì nhiều người sử dụng Internet vì quá bực tức với số lượng lớn các bức thư dưới dạng spam nhận được hàng ngày, họ có thể sẽ gửi thư phàn nàn đến ISP của bạn, khi đó có thể ISP sẽ khoá account của bạn lại.
Hãy kiểm tra lại trước khi gửi bất kỳ email nào đến các địa chỉ trong danh sách email của bạn:
- Bức thư của bạn được gửi đến người mà bạn chưa từng có quan hệ với họ trước đó, đó là spam.
- Chào hàng của bạn có gian lận, hay quảng cáo các hoạt động gian lận, đó là spam.
- Bạn đang sử dụng các subject dễ làm cho nhầm lẫn để lừa gạt mọi người mở thư của bạn, đó là spam.
- Bạn đang sử dụng tên hay địa chỉ email From giả mạo hay không tồn tại, đó là spam.
- Bạn giả mạo các phần tiêu đề trên bức thư của bạn, để trông nó giống như là đến từ một nơi nào đó hay một người nào đó, đó là spam.
- Nếu bạn không kèm theo một chương trình thuận tiện để người nhận huỷ ra khỏi danh sách của bạn, đó là spam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét