Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008

Châm ngòi quả bom quảng cáo trực tuyến

Các chuyên gia dự báo trong vòng 3 năm nữa quảng cáo trực tuyến (QCTT) sẽ bùng nổ tại Việt Nam. Nhưng hiện tại, doanh thu của QCTT còn thấp, khả năng quản lý của Nhà Nước còn hạn chế trong khi các website và diễn đàn của cá nhân, DN đều mong muốn được cấp phép bán dịch vụ QC trực tuyến.
Òng Nguyễn Minh Huyên, giám đốc marketing công ty máy tính CMS cho biết: công ty chỉ dành khoảng 10% ngân sách QC hàng năm cho QCTT. “Các logo, banner, pop-up trên mạng được hiện diện thường xuyên hơn so với các mẩu QC trên truyền hình, phát thanh (vì truyền hình, phát thanh phụ thuộc vào giờ phát sóng), do vậy lượng độc giả của QCTT ngày càng lớn. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn hạn chế. Chúng tôi thấy QCTT chỉ hiệu quả khi đặt các banner lớn ở trang chủ. Đối với các trang còn lại hiệu quả chỉ vừa phải. Nhưng giá QC banner ở trang chủ khá cao và ngày càng tăng”.

Nhưng ông Nguyễn Hưng, giám đốc công ty KiemViec.com, lại nhìn nhận hiệu quả của QCTT ở mức cao hơn. Theo ông Hưng, 3 phương tiện QC hàng đầu hiện nay là truyền hình, mạng Internet và báo giấy. Truyền hình vẫn giữ vị trí số 1 vì hầu như hộ dân nào cũng có TV. Dưới TV, Internet tỏ ra vượt trội hơn báo giấy về số lượng độc giả và giá. “Một tờ báo giấy trung bình xuất bản khoảng 300.000 bản. Bỏ đi 50.000 tờ không bán hết và bị “cân ký”, còn 250.000 tờ đến tay người tiêu dùng. Trong số đó, chỉ có khoảng 200.000 người quan tâm xem QC”, ông Hưng đưa ra lý lẽ, “chúng ta không nói đến hiệu quả của QC trên báo giấy với người đọc mà hãy thử xét xem trong 200.000 người đó có bao nhiêu người thuộc các thành phần có khả năng mua sản phẩm đọc QC? Trong khi đó, khoảng 1,5 triệu người thuê bao Internet đảm bảo phải có thu nhập tương đối cao. Trừ đi 100.000 các điểm dịch vụ và không tính những người duyệt web tại các điểm dịch vụ Internet, còn khoảng 1,3 triệu độc giả trực tuyến có thu nhập khá so với 200.000 bạn đọc QC giấy có phân khúc thu nhập khác nhau là một chênh lệnh quá lớn”. Òng Hưng nói tiếp: “Hơn thế, trên báo giấy, giá một mẩu QC có độ lớn bằng nửa tờ báo khoảng 20 triệu đồng/ngày, quá đắt so với một banner lớn của VnExpress giá 40 triệu đồng/1 tháng. Đồng thời, chỉ cần nhấp chuột vào mẩu QCTT, người đọc sẽ được đưa đến website của DN và có thể tìm hiểu thêm về sản phẩm. Còn QC trên báo giấy buộc người đọc phải nhớ thông tin, sau đó phải gọi điện thoại hay gõ điạ chỉ Internet để truy cập”.

Banner truyền thống (traditional banner ads): có dạng hình chữ nhật, chứa những đoạn text ngắn, bao gồm cả hình động (animated pictures), có khả năng kết nối tới một trang hoặc website khác.
In-line: định dạng trong một cột đặt ở dưới bên trái hoặc bên phải website.
Pop-up: bật lên một màn hình riêng khi bạn nhấn chuột và dẫn tới một nội dung QC.
Nếu như trong những năm đầu tiên, QCTT của Việt Nam chỉ có một vài hình thức nghèo nàn thì nay nhiều công ty đã chú ý đến yếu tố công nghệ và đưa ra nhiều lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Đó là các hình thức: đặt banner, logo, pop-up; QC dưới hình thức phỏng vấn trực tuyến, trong bản tin newsletter; trong các nội dung đa phương tiện (multimedia), qua các tập tin âm thanh, hình ảnh truyền phát trực tiếp... Tuy thế, loại hình QCTT được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam vẫn là đặt banner lớn và logo
.
Nhưng Internet cũng có thể trở thành cái máy “đốt” tiền! Nhiều DN đầu tư xây dựng website, mua tên miền, thuê dịch vụ lưu trữ website và chắc mẩm mình đã online, đã được cộng đồng mạng biết đến! Tuy nhiên, các chi phí nói trên không đáng kể mà chi phí quảng bá (marketing), thu hút người dùng truy cập vào website của DN và chi phí bảo trì website mới là đầu tư đáng kể. Không ít website đã thất bại vì lý do này. Lời khuyên dành cho DN: nên đặt QC trên các website có lưu lượng người dùng lớn, từ đó kéo người dùng về website của mình theo các đường dẫn (links).

“www.thegioimobi.com.vn (TGMB) là một ví dụ về vai trò marketing hiệu quả của QCTT và mạng Internet”, một chuyên gia trong ngành QC cho biết, “ TGMB chỉ dùng phương tiện Internet để công khai giá từng loại điện thoại di động lên mạng. Hiệu quả nhìn thấy được là chỉ sau 1 năm hoạt động, nhờ "cửa hàng" ảo, rất đông khách hàng biết đến cửa hàng TGMB thực. Từ 7-9h tối thứ bảy, chủ nhật, cửa hàng của TGMB vẫn đông nườm nượp trong khi vào giờ đó, các shop điện thoại khác đóng cửa hết”.

Website chỉ là một cái cổng trong “ngôi làng toàn cầu” với hàng triệu triệu cái cổng như vậy. Nếu 90% DN Việt Nam muốn bán hàng nhưng chỉ đưa thông tin lên website của mình, ai “dạo qua” thấy mới mua thì điều đó đồng nghĩa với việc giấu hàng, thể hiện nhận thức còn khá ấu trĩ của DN, cản trở sự phát triển của các kênh QC nói chung và QCTT nói riêng.

 

Có một thực tế dễ nhận thấy rằng, QCTT trên các báo điện tử (BĐT) của Việt Nam như Vnexpress hay VietnamNet chưa bao giờ được lấp đầy như các BĐT kỳ vọng. Thậm chí, nếu nhìn kỹ sẽ thấy xen lẫn trong đó rất nhiều QC của “người nhà”.

VietnamNet cho biết doanh thu QC tăng trưởng mạnh theo từng năm, nhất là 2 năm trở lại đây. Năm 2004, doanh thu QCTT của VietnamNet (chưa bao gồm các chuyên trang, phụ trương) là 3,8 tỷ đồng; 8 tháng đầu 2005 là 2,9 tỷ đồng. Dự kiến 2006 là 4,6 tỷ. Còn theo VnExpress, doanh thu 2004 là 11,1 tỷ đồng, 8 tháng đầu 2005 là 13,5 tỷ đồng. Dự kiến 2006 là 31,7 tỷ đồng (hơn gần gấp 3 lần so với 2004). Nếu căn cứ theo báo cáo của VnExpress thì doanh số QC của họ không thua kém các tờ báo và tạp chí lớn. Tuy nhiên, đến nay, các địa chỉ hút QC trực tuyến tại Việt Nam vẫn không nhiều, phần lớn tập trung ở các BĐT có thâm niên như VnExpress, VietnamNet, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và một số website tin tức như 24h.com, tintucvietnam (nay là dantri.com.vn). Nếu so sánh tổng doanh số QCTT với các loại hình khác, theo ông Lương Công Hiếu, phụ trách phòng QC và Phát Triển, công ty Truyền Thông FPT thì “doanh thu QCTT rất nhỏ.”

Khảo sát các website tin tức và BĐT trong nước có thể thấy khách hàng QCTT thường xuyên và chiếm diện tích “hoành tráng” nhất chính là các công ty đa quốc gia như: Ford, Toyota, Nokia, Samsung, LG... hoặc đại gia trong lĩnh vực viễn thông như VNPT, MobiFone, Vinaphone, Viettel, S-Fone... Bên cạnh đó, thỉnh thoảng xuất hiện QC của các công ty trong nước như CMS, FPT Elead, một số tổ chức đào tạo, các công ty địa ốc, các công ty dược phẩm...

Biên độ giá QCTT cũng khá phong phú, với website lớn, trung bình từ 2 đến cả trăm triệu đồng/tháng. Với website có lượng truy cập ít hơn, giá có thể dưới 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, 10-15 triệu đồng là mức giá được nhiều khách hàng lựa chọn nhất. Chủ website tính giá QCTT theo nhiều cách : qua lượt người click vào QC (pay per thousand click) hay qua số lượng người xem QC (pay per impression)...

Tuy thị trường QCTT còn nhỏ nhưng nhiều chuyên gia QC nhận định “quả bom” QCTT sẽ "nổ" trong 2-3 năm tới. Òng Hiếu (FPT) dự báo: 2 năm tới, thị trường QCTT Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng doanh số năm sau gấp đôi năm trước. Còn bà Trần Hương Lúa, phụ trách marketing và kinh doanh công ty VASC nói: “Với sự phát triển thêm các chuyên trang trên VietnamNet cùng lượng truy cập đạt xấp xỉ 1,5 tỷ hit truy cập/tháng (tương đương khoảng 50 triệu hit mỗi ngày), chắc chắn hoạt động kinh doanh QCTT của chúng tôi sẽ phát triển xa hơn nữa”.

Mỹ được đánh giá là nơi đạt doanh thu QC trực tuyến lớn nhất với doanh thu năm 2005 dự kiến là 13,5 tỉ USD. Trong khi, châu Thái Bình Dương (không kể Nhật Bản) ước chỉ đạt khoảng 8% so với Mỹ. Theo eMarketer, năm 2005, số người sử dụng Internet ở châu - Thái Bình Dương sẽ đạt khoảng 235 triệu người, trong khi ở Mỹ là 185 triệu. Còn IDC dự đoán ngân sách QC trực tuyến ở khu vực châu -Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 3 lần, trong đó, Trung Quốc sẽ dẫn đầu về tốc độ gia tăng hàng năm.
Với lợi thế công nghệ, các khách hàng của QC trực tuyến có thể dễ dàng đo đếm được hiệu quả của QC và lựa chọn nhiều hình thức QC phong phú.
Rất nhiều công ty không thuộc ngành CNTT đã quan tâm tới QC trực tuyến. Đây là dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp nhận của khách hàng với xu hướng QC mới.
Giờ đây, sự hoài nghi về nền kinh tế Internet và QC trực tuyến đã dần được thay đổi. Xu hướng đọc báo điện tử đang lấn át báo giấy, khả năng thu hút độc giả của các website cũng tăng gấp nhiều lần so với các tạp chí. Thậm chí, khi Google bắt đầu thử nghiệm hình thức đấu giá vị trí hiển thị và thời điểm QC, nhiều chuyên gia đã cho rằng QC trực tuyến đã bắt đầu tạo ra một cuộc cách mạng mới mạnh không thua gì QC truyền hình.
Dự đoán của Advertising Age cho biết, tổng doanh thu QC của cả Google và Yahoo năm nay sẽ ngang ngửa với doanh thu QC trong giờ cao điểm của cả ba mạng lưới truyền hình lớn của Mỹ là ABC, CBS và NBC. Cũng theo tạp chí này, đây là thời điểm mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển của QC trực tuyến.

Không có nhận xét nào: