Thứ Hai, 21 tháng 1, 2008

Web2.0 - Kỷ nguyên tiến hoá của trí tuệ cộng đồng

Chúng ta đang sống trong thời kì bùng nổ công nghệ, bùng nổ thương mại điện tử, bùng nổ ứng dụng trên Internet. Một cuộc cách mạng thực sự đang diễn ra, cuộc cách mạng đó mang tên Web2.0
Mùa thu năm 2001 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Web. Cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của các ứng dụng, sự sinh sôi của các site mới, sự hưng thịnh của các công ty, một kỉ nguyên mới đã ra đời: .

Web2.0 khác gì với Web1.0. Tại sao lại phân biệt như vậy? Đâu là bản chất của sự “thay da đổi thịt” này?

Thế hệ mới

Một thế hệ mới tạo nên bộ mặt của Web2.0. Thế hệ đó là Google Adsense thay thế Doubleclick trong lĩnh vực quảng cáo, là Flickr thay Ofoto trong lĩnh vực chia sẻ ảnh, là BitTorrent thay Akamai trong chia sẻ nội dung, là Đại bách khoa toàn thư Wikipedia thay Britannica Online, là Blog thay Personal Websites, là Wikis thay CMS...

Tạo nên thời đại mới

Kỉ nguyên Web2.0 ra đời với cuộc cách mạng về trí tuệ, về phần mềm, về doanh nghiệp, về internet... Dù vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm Web2.0. Nhưng cơ bản, Web2.0 thống nhất ở các đặc trưng sau:

 

Dịch vụ web thay thế sản phẩm phần mềm. World Wide Web( WWW) không còn là tập hợp các website tĩnh như trong thời kì web1.0, cũng không dừng lại ở các web động kết hợp hệ quản trị nội dung (CMS), giờ đây WWW cung cấp đầy đủ các chức năng của một platform (nền tảng) máy tính, phục vụ cho người dùng ở nơi xa nhất.

Không hề mơ mộng, nhiều người đã nghĩ đến lúc nào đó tất cả các ứng dụng mà bạn sử dụng sẽ là ứng dụng web thay vì các phần mềm độc lập chạy trên các máy tính đơn lẻ.

 

Web2.0 là câu chuyện về sự thành công của những dịch vụ, những ứng dụng có cánh tay vươn xa vô tận, đến mọi nguời dùng có thể, hay nói cách khác Web2.0 là kỉ nguyên phi tập trung hóa với Google Adsense, eBay, BitTorent...

Google Adsense thắng DoubleClick trong lĩnh vực quảng cáo vì Google hiểu sức mạnh khổng lồ của hàng trăm nghìn giọt nước sẽ tạo nên bể rộng. Nếu như DoubleClick chỉ giới hạn ở các website lớn thì Google tìm cách đặt quảng cáo ở bất kỳ website nào.

eBay thống trị thị trường đấu giá online vì đáp ứng nhu cầu hoạt động của mọi khách hàng. eBay cho phép cả những thương vụ chỉ có vài USD. Nhờ thế, eBay trở thành nơi tập trung “người mua kẻ bán” đông đúc nhất trên mạng, làm lu mờ các site nhỏ mới ra đời.

 

Google, eBay, del.icio.us, iTunes, phong trào Open Sources, phong trào Blog và gần đây nhất là Wikipedia đều xây dựng trên triết lý: khai thác trí tuệ cộng đồng.

Ai cũng có thể thêm, sửa nội dung của đại bách khoa toàn thư Wikipedia. Chính vì có hàng trăm nghìn người chăm chút cho nó, nên Wikipedia càng phong phú, tinh lọc và chính xác. Theo thống kê gần đây nhất, Wikipedia được đọc nhiều hơn bất kì trang tin tức nào kể cả Google News và Yahoo News.

 

Trong kỷ nguyên trí tuệ cộng đồng, các hệ thống được trang bị toàn bằng mã nguồn mở, thì dữ liệu là thành phần duy nhất tạo nên sự khác biệt. Quản lí dữ liệu là trái tim của các doanh nghiệp, là chip intel của hệ điều hành internet.

Các đại gia Google, Yahoo, eBay, Amazon đều hoạt động dựa trên hệ cơ sở dữ liệu chuyên gia. Chúng ta chờ đợi cuộc chạy đua giữa các nhà cung cấp dữ liệu và các nhà cung cấp ứng dụng trong vài năm tới khi cả hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu đối với Web2.0.

Giống như xu hướng chuyển từ phầm mềm độc quyền sang phần mềm miễn phí, ta cũng chờ đợi xu hướng chuyển từ cở sở dữ liệu độc quyền sang cơ sở dữ liệu miễn phí trong thập kỉ tới. Dấu hiệu sớm của nó là bách khoa online Wikipedia.

 

Xuất phát từ cộng đồng mã nguồn mở, các sản phẩm được đưa ra cho cộng đồng trước khi nó hoàn thành, và cộng đồng thường xuyên thêm vào các đặc tính mới cho nó. Bạn cũng thấy Gmail, Google Maps, Flickr... để logo “Beta” hàng năm trời, vì họ cũng kinh doanh theo triết lí đó, không ngừng thu thập ý kiến người dùng, không ngừng cải tiến sản phẩm, không bao giờ có sản phẩm cuối cùng. Mãi mãi là bản Beta...

 

Bạn đã bao giờ dùng RSS hay Atom để cập nhật tin tức, bạn có yêu thích sự tiện lợi và nhanh chóng của GMail hay Google Maps? Bạn có biết rằng đằng sau những dich vụ ấy là những công nghệ cực kì đơn giản: RSS và AJAX. Đơn giản mà mạnh mẽ là phong cách mới của công nghệ Web2.0

Tích hợp, tích hợp và... tích hợp, đó cũng là đặc trưng của công nghệ thời Web2.0. Thời mã nguồn mở phát triển, dịch vụ thay thế cho phần mềm, tích hợp chính là chìa khóa để cạnh tranh.

 

Sự phát triển của Internet đưa tương lai của phần mềm gắn chặt với ứng dụng web. Mà bất kì ứng dụng web nào, dù đơn giản nhất cũng yêu cầu tối thiểu hai máy tính: Web Server và Web Browser. Việc sử dụng Web như là Platform rung lên hồi chuông cảnh báo về thiết kế phần mềm. Phần mềm kỉ nguyên mới phải là những phần mềm chạy được trên càng nhiều thiết bị càng tốt.

 

Một trong những điểm cách mạng của Web2.0 là cho phép người dùng tùy biến và thao tác nhiều hơn.

Điển hình là công nghệ AJAX. Đóng vai trò trung gian giữa người dùng và máy chủ, AJAX chỉ nhận những thông tin cần thiết và một khi dữ liệu đã tải về thì bạn không cần phải tương tác với máy chủ. Tương tác giữa phần giao diện và AJAX là tương tác nội bộ bên trong trình duyệt. Ứng dụng nổi bật của AJAX là Gmail và Google Maps. Trong Gmail, bạn sử dụng bàn phím chứ không phải dùng chuột để chọn nhiều email. Những tác vụ như chuyển từ thư mục này sang thư mục khác được thực hiện rất nhanh chóng. Trong Google Maps, bạn có thể phóng to, thu nhỏ ảnh, di chuyển quanh bản đồ mà không phải chờ đợi tí nào. Bạn có cảm giác đang tương tác với phần mềm chạy trên máy mình vậy.

Lời kết

Web2.0 đã và đang thay đổi tận gốc rễ văn hóa xã hội và văn hóa doanh nghiệp. Trí tuệ cộng đồng được đề cao. Dịch vụ và dữ liệu là sự sống còn đối với các công ty. Phần mềm ngày càng đơn giản, mạnh mẽ, dễ tích hợp, chạy được mọi lúc mọi nơi. Người dùng là người đồng phát triển, tự chủ hơn, được thao tác nhiều hơn. Đó là những bước tiến cơ bản Web2.0 mang lại cho cuộc sống của chúng ta.

Không có nhận xét nào: